Vừa qua, dịch Covid-19 lại một lần nữa bùng phát tại Đà Nẵng và nhanh chóng lan sang các địa phương khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động lữ hành, du lịch. Trước tình hình đó, CLB Lữ hành UNESCO đã khẩn trương, nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp lữ hành giảm bớt các khó khăn.
Doanh nghiệp du lịch, lữ hành thiệt hại nặng nề do dịch
Trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19, du lịch là 1 trong những ngành phát triển năng động nhất, đem lại nguồn thu không nhỏ trong tổng thu nhập GDP của Nhà nước, đồng thời cũng giải quyết được một bộ phận việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, khi Covid-19 xảy ra và có những diễn biến ngày càng phức tạp, du lịch là ngành đầu tiên và trực tiếp bị ảnh hưởng nặng nề. Tổng nguồn thu từ du lịch 5 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 150.300 tỷ đồng, giảm 47,4% so với cùng kỳ năm 2019. Theo số liệu khảo sát từ Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), đến cuối tháng 4-2020, có tới 65,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát phải cắt bớt 1 nửa số nhân viên, gần 20% cho nghỉ toàn bộ, 78% số doanh nghiệp chọn cắt giảm lương hoặc nhân viên tạm thời trong nỗ lực giảm chi phí để sống sót, 9% cực đoan hơn – đóng cửa kinh doanh.
Từ tháng 5 đến tháng 7, khi tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, trong cộng đồng không có ca nhiễm bệnh, ngành du lịch đã nhanh chóng vươn mình khởi sắc với nhiều chương trình kích cầu du lịch trong đó tiêu biểu là chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Lượng khách du lịch tăng đột biến, một phần do không đi du lịch nước ngoài được nên du khách chuyển hướng sang nghỉ dưỡng trong nước, một phần do các chương trình khuyến mãi, kích cầu giúp người tiêu dùng sở hữu những tour chất lượng cao, giá rẻ chưa từng có. Ngành du lịch từng bước phục hồi và duy trì trở lại một lực lượng lao động lớn.
Đoàn FAM TRIP Câu lạc bộ Lữ hành Unesco khảo sát Du lịch cộng đồng tại Lai Châu
Tuy nhiên, từ ngày 25/7, những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng, Quảng Nam và lan nhanh ra một số địa phương khác đã khiến cho các doanh nghiệp vừa “chập chững” khôi phục lại “trở tay không kịp”.
Gần như những cố gắng trong cả tháng 7 của các doanh nghiệp lữ hành đều “đổ sông đổ bể” chỉ trong mấy ngày cuối cùng của tháng. Tính riêng chỉ 3 ngày (từ ngày 28-30/7), đã có trên 7.500 lượt khách của 22 đơn vị lữ hành hủy tour. Nhiều ngày qua, các đơn vị lữ hành đều dành thời gian để làm thủ tục hoàn, hủy tour theo yêu cầu của khách do lo ngại vì dịch. Dù cho chỉ một số tỉnh thành công bố dịch, nhưng khách không chỉ hủy những chặng có dịch mà còn hủy luôn các tour đến những vùng chưa có dịch.
Nhiều địa phương trên cả nước đã ra thông báo hỏa tốc đóng cửa nhiều điểm tham quan, khu du lịch, tạm dừng các dịch vụ vui chơi giải trí… nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, người dân. Một số địa phương không tổ chức tour, không đón người đến, đi từ vùng có người mắc dịch, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đi đến vùng dịch, không đi du lịch ngoại tỉnh… khiến doanh nghiệp du lịch đã khó khăn lại càng thêm khó khăn.
Bên cạnh một số khách thông cảm với đơn vị lữ hành, đồng ý hoãn, điều chỉnh thời gian du lịch, nhiều khách khi hủy tour còn yêu cầu hoàn 100% tiền cọc, cá biệt có trường hợp còn đòi phạt 50% giá trị tour khi không đi đủ điểm như trong chương trình do đã có công văn đóng cửa 1 số điểm dự kiến đi trong chương trình. Những điều này gây rất nhiều khó khăn cho công ty du lịch do các dịch vụ đều đã phải đặt cọc trước.
CLB Lữ hành UNESCO đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19
Ngay sau khi dịch Covid-19 quay trở lại cộng đồng, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời bảo toàn quyền lợi của khách du lịch.
Hy vọng du lịch Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn và mang một sức sống mới sau khi đại dịch đi qua (Nguồn: Internet)
Theo đó, CLB đề nghị các doanh nghiệp lữ hành thực hiện tốt Công văn số 982/TCDL-LH ngày 29/7/2020 của Tổng cục du lịch về các giải pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch trước diễn biến của dịch Covid-19.
Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật, nắm bắt tình hình, có giải pháp tháo gỡ khó khăn giữa doanh nghiệp và du khách; vận động tuyên truyền khách du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn trong việc hoãn, hủy, đổi chương trình du lịch cho du khách.
Hiện tại, CLB đang tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại do dịch bệnh đến ngành du lịch và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, từ đó đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban ngành có liên quan có biện pháp tháo gỡ như: Triển khai nhóm giải pháp giãn cách thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế, kéo dài thời gian giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị lữ hành…
CLB cũng đề nghị các Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành trong quá trình đàm phán hủy, hoãn tour trong giai đoạn dịch Covid-19. Đây cũng là 1 động thái tích cực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành khi nhiều điểm đến là những địa phương chưa có dịch bệnh Covid-19 nhưng do tâm lý lo ngại của khách dẫn đến hủy tour, hủy tuyến.
Có thể nói, dịch Covid-19 tái phát lại một lần nữa ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch, thậm chí được coi là “một cú đánh bồi” với ngành du lịch sau thời gian nhen nhóm ngắn ngủi.
Để ngành du lịch “hồi sinh” trở lại, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Sở Du lịch thành phố và các đơn vị Bộ ban ngành có liên quan cùng HUTC, các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành cũng cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, sẵn sàng hoạt động trở lại ngay sau khi tình hình dịch bệnh được khống chế tốt.