Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu
Năm 2020, ngành Du lịch thế giới và Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ do tác động của dịch Covid-19. Theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) về nhu cầu và xu hướng của khách du lịch trong thời kỳ Covid-19, 40% số người được hỏi cho biết có mong muốn đặt tour trực tuyến, chỉ 12 - 15% vẫn đặt tour qua công ty du lịch. Những số liệu này cho thấy, người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các nền tảng số nhằm tiết kiệm thời gian, hạn chế tiếp xúc và giao dịch thuận tiện hơn. Vì thế, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ buộc phải tích cực chuyển đổi số để bắt kịp xu thế.
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, Diễn đàn Du lịch “Chuyển đổi số trong ngành du lịch” được tổ chức nhằm triển khai chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; Đề án “Phục hồi, kích cầu phát triển du lịch Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2020 - 2021) và Kế hoạch triển khai chương trình trọng điểm phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021. Thực tế hiện nay, trên địa bàn đã hình thành nhiều mô hình, sản phẩm du lịch thông minh như: mô hình thực tế ảo, thuyết minh tự động tại các điểm di tích, số hóa các di sản văn hóa, thẻ du lịch thông minh…do đó UBND tỉnh sẽ ưu tiên chuyển đổi số với ngành du lịch; tạo điều kiện,hỗ trợ để nhiều chuyên gia ,doanh nghiệp,tập đoàn và các nhà quản lý thúc đẩy phát triển du lịch địa phương trên nền tảng số.
Các doanh nghiệp ,nhà quản lý chủ động vào cuộc
Cũng tại diễn đàn này ông Trần Trọng Kiên- Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh (TMG) chia sẻ cách đây hơn hai năm ông quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển đối số trong du lịch.Ông mong muốn tạo ra một ứng dụng giao dịch du lịch trực tuyến để các đại lý vé máy bay, du lịch ;khách du lịch có thể ngồi tại chỗ, thông qua ứng dụng để nghiên cứu, so sánh, chọn lựa, đặt được nhiều dịch vụ đa dạng (từ vé máy bay, phòng khách sạn, xe đưa đón đên các trải nghiệm tại địa phương) trong một đơn hàng mà chỉ cần thanh toán một lần. Và để thực hiện hóa ước muốn này, Tập đoàn Thiên Minh đã xây dựng nền tảng Vietnam Travel Platform và thành lập công ty Plustos đóng trên địa bàn tỉnh .Ông Kiên đã ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế để cùng hợp tác phát triển với các doanh nghiệp du lịch thành viên tại Huế.
Đại diện các công ty như Vietsoftpro, Tiktok, Viettel VTS và Zalo cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với ngành du lịch Huế. Hệ thống ứng dụng của Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tích hợp nội dung thông tin du lịch thông minh để cộng đồng tham khảo… Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cũng sớm thực hiện gian hàng quảng bá ảo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn quảng bá sản phẩm trên nền tảng số.
Ông Hoàng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Vietsoftpro, cũng trình bày chi tiết một số giải pháp về công nghệ 3D trong việc số hóa một số điểm du lịch tại Huế thông qua một vài dự án, như xe đạp thông minh, dịch vụ thuyết minh tự động và trợ lý du lịch ảo, số hóa 3D tài nguyên di sản văn hóa - du lịch và dịch vụ trải nghiệm về đêm trên nền tảng ứng dụng kỹ thuật công nghệ 4.0. Mới đây, đơn vị này cũng thực hiện chương trình thí điểm số hóa 3D và hệ thống du lịch tổng thể thông minh tại làng cổ Phước Tích; số hóa và xây dựng bản đồ số du lịch tương tác 3D tại 40 điểm tham quan tiêu biểu tại Huế; số hóa VR360 về Áo dài Huế.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng ra mắt và phát hành thẻ du lịch thông minh (thẻ vật lý và thẻ mềm qua điện thoại), là giải pháp tối ưu để thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách của TikTok Việt Nam, chia sẻ mong muốn hợp tác với Huế quảng bá du lịch Huế trong tháng 5 và 6 với hàng ngàn clip ngắn về Huế và 5 triệu lượt xem với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng và khách du lịch. Ngày 28/4, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và TikTok đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm triển khai “Chương trình hợp tác quảng bá điểm đến bằng video ngắn”
Trong khuôn khổ của diễn đàn Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ tổ chức chương trình trải nghiệm, tham quan, khảo sát về các điểm đến và sản phẩm dịch vụ du lịch từ công nghệ. Đồng thời, khai mạc lớp đào tạo E-marketing cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch về cách thức xây dựng nội dung và hình ảnh và clip ngắn để quảng bá trên hệ thống Visit Hue,phương thức nghiên cứu và triển khai Content Marketing du lịch.
Tình hình dịch COVID-19 vẫn đang còn diễn biến hết sức phức tạp và nguy cơ kéo dài. Do đó, các ngành nghề kinh tế, trong đó có ngành du lịch phải chủ động thích ứng để phục hồi và tìm con đường phát triển bền vững hơn trong bối cảnh bình thường mới. Chuyển đổi số là một trong những giải pháp tiên quyết để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động của ngành du lịch phù hợp với xu hướng mới. Sự chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới sẽ giúp ngành du lịch vượt qua được khó khăn, tận dụng cơ hội chuyển đổi số một cách hiệu quả.Chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá... Để thực hiện nội dung chuyển đổi số ngành du lịch, một phần của kinh tế số cần sự vào cuộc từ cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp dịch vụ du lịch. Ngành du lịch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong maketing du lịch; tiếp đó là quản lý điểm đến thông minh, hướng dẫn cho du khách tham quan... đây là bước nhằm giảm nhân công và đưa tới khách hàng một tiện ích thông minh nhất.