Ngày 12/04/2024, Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “Xúc tiến du lịch và cập nhật các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành năm 2024”.
Dự tọa đàm có lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia, đại diện các Sở Du lịch/ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Trung tâm xúc tiến du lịch của các địa phương, đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và khoảng 350 doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ, vận chuyển, điểm đến của các địa phương cùng các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội.
Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội Trương Quốc Hùng phát biểu khai mạc tọa đàm
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội Trương Quốc Hùng cho biết: “Tọa đàm Xúc tiến du lịch và cập nhật các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành năm 2024” là dịp gặp gỡ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch của Trung ương và các địa phương với các doanh nghiệp hội viên của Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội nhằm trao đổi, cập nhật thông tin và giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp về các quy định mới trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, các sự kiện xúc tiến du lịch, hội nghị, hội thảo trọng điểm do UBND thành phố Hà Nội và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức trong năm 2024.
Quang cảnh tọa đàm
Tọa đàm cũng là dịp để các hội viên của Câu lạc bộ và các hội viên liên kết từ nhiều địa phương tăng cường kết nối, trao đổi, hợp tác kinh doanh, liên kết xây dựng sản phẩm, tour tuyến... nhằm đẩy mạnh, tăng tốc phát triển du lịch trong giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại tọa đàm
Đánh giá cao vai trò kết nối các hội viên của Câu lạc bộ trong giai đoạn trước, trong và sau dịch Covid-19, từ đó góp phần cùng toàn ngành Du lịch hồi phục và phát triển, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cũng nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay như: kinh tế ảnh hưởng đến việc thu hút khách từ một số thị trường nguồn; sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến về thu hút khách du lịch quốc tế sau dịch Covid-19; giá cả dịch vụ, vé máy bay cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng… Từ đó, ông Hà Văn Siêu kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương để triển khai hiệu quả các chương trình quảng bá, xúc tiến nhằm khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Các đại biểu chia sẻ, giao lưu tại tọa đàm
Chia sẻ về sự tăng trưởng, phục hồi của ngành Du lịch hậu Covid-19, Trưởng Phòng Xúc tiến du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Quý Phương cho hay: Với những chính sách quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, năm 2023, Việt Nam đón trên 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,5 lần so với năm 2022. Quý I-2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 4,4% so với tháng 2-2024 và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa đạt 30 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 195.000 tỷ đồng. Năm 2024, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa; phấn đấu đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa.
Đại biểu dự tọa đàm
Để tạo đột phá cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong thời gian tới, ông Nguyễn Quý Phương mong muốn các doanh nghiệp cùng đồng hành với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam trong việc tham gia các sự kiện xúc tiến quảng bá, hội chợ du lịch quốc tế và các đoàn famtrip, presstrip từ các quốc gia đến Việt Nam nhằm góp phần vào sự phát triển của toàn ngành Du lịch.
Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia tặng hoa chúc mừng sự kiện
Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp còn trao đổi, thảo luận về một số nội dung khác như: Một số quy định mới được ban hành trong hoạt động kinh doanh lữ hành; Thủ tục cấp đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế; Những thay đổi về số tiền ký quỹ trong hoạt động lữ hành nội địa và quốc tế; Kế hoạch khai thác, mở đường bay mới, mở rộng đường bay trong nước và quốc tế trong năm 2024...
Nhân dịp này, Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội đã trao giấy chứng nhận hội viên mới cho 60 doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch, vận chuyển. Với tổng số hơn 600 hội viên hiện có, Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội ngày càng khẳng định vị trí của một tổ chức xã hội nghề nghiệp uy tín, quy tụ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhằm góp phần phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội Trương Quốc Hùng trao kỷ niệm chương cho các nhà tài trợ
Tiếp nối tọa đàm “Xúc tiến du lịch và cập nhật các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành năm 2024” là chương trình Gala “Meet Hanoi 2024”. Đây là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, hợp tác kinh doanh và liên kết xây dựng sản phẩm, tour tuyến... Gala “Meet Hanoi 2024” diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi với nhiều hoạt động hấp dẫn như: chương trình văn nghệ của các nghệ sĩ và các hội viên, trao kỷ niệm chương cho 36 nhà tài trợ, chương trình bốc thăm trúng thưởng. Đặc biệt, tại chương trình, Tập đoàn Trường Thịnh - một trong 60 hội viên mới, đã trao 400 voucher tắm khoáng nóng Bang Onsen (Quảng Bình) cho Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội.
Tập đoàn Trường Thịnh trao 400 voucher tắm khoáng nóng Bang Onsen (Quảng Bình) cho CLB Lữ hành Unesco Hà Nội.
Một số hình ảnh tại Gala "Meet Hanoi 2024”:
Các đại biểu chụp ảnh Check-in bên lề sự kiện
Đại biểu nâng ly chúc mừng sự kiện
Vinh danh các nhà tài trợ chương trình