Chiều ngày 9/7/2025, Sở Du lịch Ninh Bình tổ chức Tọa đàm “Định hướng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình trong không gian mới”. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tỉnh Ninh Bình mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập với hai tỉnh Hà Nam và Nam Định, tạo nên một không gian phát triển mới với nhiều cơ hội và tiềm năng lớn cho ngành du lịch.

Ông Bùi Văn Mạnh – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình trình bày Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 định hướng đến năm 2045.
Chương trình tọa đàm có sự tham gia của ông Bùi Văn Mạnh – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh; bà Dương Thị Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh; lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở Du lịch; đại diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn; cùng các chuyên gia du lịch, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đến tham dự và đưa tin. Đại diện Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội (HUTC) có ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch HUTC, ông Đoàn Ngọc Tùng – Phó Chủ tịch HUTC, và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Ban Hội viên HUTC.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe ông Bùi Văn Mạnh – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình trình bày Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 định hướng đến năm 2045. Theo đó, tỉnh Ninh Bình mới có diện tích tự nhiên 3.942,62 km² và quy mô dân số là 4.412.264 người. Ninh Bình sau sáp nhập trở thành một vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa, sinh thái, tâm linh và biển. Nơi đây sở hữu những lợi thế nổi bật về tài nguyên du lịch, kết nối hạ tầng, cùng bề dày lịch sử - văn hóa đặc sắc. Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đầu tiên của Việt Nam – tiếp tục giữ vai trò là trung tâm thu hút khách du lịch.

Toàn cảnh Tọa đàm.
Vùng đất “Ninh Bình mới” có gần 5.000 di tích, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 265 di tích cấp quốc gia, 784 di tích cấp tỉnh. Khu vực còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể quý giá với 33 di sản cấp quốc gia và 1 di sản phi vật thể đại diện nhân loại. Hệ thống lưu trú được mở rộng với hơn 1.500 cơ sở và gần 20.000 phòng nghỉ; các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven núi, ven hồ, homestay, farmstay không ngừng được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách trong nước và quốc tế.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn quốc gia và quốc tế, đón khoảng 25 triệu lượt khách trong đó có 2,5 – 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu 25.700 tỷ đồng, đóng góp >10%GRDP, tạo 100.000 việc làm; Mục tiêu đến năm 2045, Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, du lịch xanh, thông minh và văn minh, trở thành biểu tượng kết hợp bảo tồn – phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại và phát triển kinh tế du lịch bền vững. Du lịch cùng với ngành công nghiệp văn hóa là cụm ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch HUTC bày tỏ sự ấn tượng và kỳ vọng vào tương lai du lịch Ninh Bình trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại Tọa đàm, thay mặt cho Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội – một trong những tổ chức du lịch lớn và giàu kinh nghiệm nhất tại miền Bắc với gần 1000 hội viên, ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch HUTC, bày tỏ sự ấn tượng và kỳ vọng vào tương lai du lịch Ninh Bình trong giai đoạn mới.
“Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao việc Sở Du lịch Ninh Bình đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy, ban hành Đề án phát triển du lịch với tầm nhìn dài hạn và tư duy đột phá. Đó là bước đi thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt, hoạch định chiến lược bài bản, như một kiến trúc sư vẽ nên nền móng vững chắc cho ngôi nhà du lịch Ninh Bình trong tương lai”, Chủ tịch HUTC nhấn mạnh.

Đại diện Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội (HUTC) có ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch HUTC, ông Đoàn Ngọc Tùng – Phó Chủ tịch HUTC, và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Ban Hội viên HUTC tham dự Tọa đàm.
Ông Trương Quốc Hùng còn đưa ra các cam kết rõ ràng từ phía HUTC trong việc đồng hành và hỗ trợ Ninh Bình phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao năng lực xúc tiến và kết nối thị trường. Ông khẳng định, HUTC với gần 1.000 hội viên trên cả nước sẽ tổ chức một chương trình famtrip quy mô lớn trong tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới, với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp lữ hành. Mục tiêu là khảo sát các tour tuyến, trải nghiệm dịch vụ thực tế và từ đó xây dựng các gói sản phẩm mới phù hợp thị trường.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, vai trò của các doanh nghiệp tại địa phương là cực kỳ quan trọng. Chính các anh, các chị mới là người thiết kế nên sản phẩm. Còn chúng tôi, những người đi bán tour sẽ đảm nhận vai trò kết nối thị trường. Hãy cùng nhau xây dựng một chuỗi giá trị mới cho du lịch Ninh Bình từ chính nền tảng mà chúng ta đang có”, ông Trương Quốc Hùng chia sẻ thẳng thắn.

Ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch HUTC và ông Đoàn Ngọc Tùng – Phó Chủ tịch HUTC tham dự Tọa đàm.
Ông Trương Quốc Hùng cũng đề xuất những chiến lược cụ thể để khai thác lợi thế vùng như: xây dựng các hành trình du lịch theo chủ đề liên kết ba địa phương cũ (Ninh Bình – Nam Định – Hà Nam); phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đêm như chợ đêm, phố đi bộ, không gian biểu diễn nghệ thuật dân gian; và đặc biệt là công bố danh sách các nhà cung cấp dịch vụ đạt chuẩn trên nền tảng số, giúp doanh nghiệp dễ dàng xây dựng tour và gia tăng niềm tin nơi du khách.
Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình mới xác định rõ bốn trục chiến lược: du lịch di sản – văn hóa – tâm linh; du lịch sinh thái – nông thôn – ven biển; du lịch sáng tạo – công nghệ; và du lịch thiên nhiên – sinh thái nội vùng. Đây chính là những mảnh ghép để tạo nên một hệ sinh thái du lịch toàn diện, bền vững, vừa khai thác chiều sâu bản sắc, vừa bắt kịp xu hướng hiện đại. HUTC đánh giá cao hướng đi này, coi đó là một mô hình kiểu mẫu cho việc phát triển du lịch hậu sáp nhập.

Ông Trương Quốc Hùng đại diện HUTC tặng quà lưu niệm cho Sở Du lịch Ninh Bình.
Đặc biệt, ông Trương Quốc Hùng cho biết, HUTC cam kết cùng tỉnh Ninh Bình xây dựng 1–3 sản phẩm tour mẫu theo tiêu chuẩn quốc tế, truyền thông đa kênh thông qua các nền tảng kỹ thuật số, hệ thống KOLs, YouTuber, Travel Blogger và hội chợ quốc tế, đồng thời hỗ trợ tích hợp công nghệ vào hệ thống dữ liệu du lịch thông minh, chatbot hướng dẫn viên, bản đồ số và đánh giá chất lượng điểm đến. Tất cả nhằm mục tiêu tối ưu hóa trải nghiệm của du khách và tăng hiệu quả quản lý điểm đến.
Ông Trương Quốc Hùng gửi lời chúc mừng đến Sở Du lịch Ninh Bình vì đã thể hiện vai trò “nhạc trưởng” hiệu quả trong dàn giao hưởng phát triển du lịch tỉnh nhà. “Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Sở đã làm được điều mà nhiều nơi mất rất lâu mới định hình được: từ hoạch định tầm nhìn, xác lập chiến lược đến hành động cụ thể. Đây thực sự là một mô hình điển hình về quản lý điểm đến trong bối cảnh sáp nhập hành chính khi “sơn chưa khô, gạch còn nóng”, nhưng đã có thể kể một câu chuyện mạch lạc và đầy cảm hứng về tương lai du lịch Ninh Bình”.

Ông Phạm Quang Ngọc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phát biểu chào mừng tại Gala dinner.
Phát biểu chào mừng tại Gala dinner đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 9/7/2025), do Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức tối cùng ngày, ông Phạm Quang Ngọc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình – nhấn mạnh: “Việc hợp nhất ba tỉnh Hà Nam – Nam Định – Ninh Bình để hình thành tỉnh Ninh Bình mới không chỉ mang ý nghĩa hành chính mà còn tạo ra sức cộng hưởng đặc biệt cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó du lịch chính là một ngành mũi nhọn hưởng lợi rõ rệt”.
Ông gửi lời cảm ơn chân thành tới các doanh nghiệp, cán bộ và cộng đồng làm du lịch trên địa bàn tỉnh, đồng thời khẳng định quyết tâm đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của khu vực và quốc tế.

Các đại biểu tham dự Gala dinner.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng thể hiện sự đồng thuận cao với những định hướng mà HUTC đưa ra. Ông khẳng định: “Với tiềm năng về thiên nhiên, di sản, văn hóa, cùng không gian phát triển mới rộng mở sau sáp nhập, Ninh Bình hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành trung tâm du lịch xanh – thông minh – văn minh của cả vùng Bắc Bộ”. Đồng thời, ông bày tỏ niềm tin vào sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp để hiện thực hóa mục tiêu này.
Với sự quyết tâm từ chính quyền, sự năng động từ doanh nghiệp, sự kết nối mạnh mẽ từ các tổ chức như HUTC, du lịch Ninh Bình mới đang khẳng định bước đi vững chắc trên hành trình trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, không chỉ về quy mô, mà còn về đẳng cấp và chiều sâu phát triển bền vững.
Ban Thư ký - Truyền thông