Sự nổi tiếng của cac điểm du lịch và nhiều loại hình nghệ thuật, cùng với sự tài hoa của người dân Bali, sự đa dạng các hoạt động vui chơi giải trí và chính sách hợp lý của Ngành du lịch Bali là các yếu tố tạo nên sự thành công của Đảo Thiên đường Bali
Sự đa dạng và phong phú tài nguyên du lịch
Bali sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn rất giá trị. Đến đây du khách không chỉ được tham quan bãi biển, núi lửa ruộng bậc thang mà còn hòa mình vào các lễ hội, trải nghiệm cuộc sống ở những ngôi làng, thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị… Hòn đảo Bali được bao quanh bởi các rạn san hô.
Ngoài ra, hệ động thực vật ở đây cũng đa dạng phong phú, phỏ biến, nhất là hoa râm bụt, hoa nhài và hoa loa kèn nước, hoa mộc lan, hoa sứ (frangipani) và nhiều loại hoa lan.
Bali là nhà của các động vật có vú lớn như voi và hổ, mặc dù chúng không còn tồn tại từ đầu thế kỷ trước. Thế giới tự nhiên của Bali có rất nhiều động vật hoang dã với sự tồn tại của nhiều loài khỉ, cầy hương, hươu sủa và hươu chuột. Có 300 loài chim chiếm giữ hòn đảo bao gồm chim hoang dã, chim đô la, chim bói cá xanh, đại bang biển, chim nhạn, diệc trắng và chim bồ câu, chim én, chim sẻ. Bali đã được ghi nhận là một trong những nơi có thế giới sinh vật biển tốt nhất với nhiều loài khác nhau như cá heo, cá mập, cá mặt trời, cá san bô, lươn moray…
Đây là điểm thu hút khách tham gia các hoạt động lặn biển để ngắm san hô và các loài sinh vật biển. Bãi biển nhiệt đới cát trắng, nắng vàng, nước xanh với các trò chơi dưới nước như lặn ngắm sinh vật biển, lướt ván đua thuyền, bơi lội, chơi bóng nước, dù lượn… là những yếu tố hấp dẫn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Một số bãi biển nổi tiếng như Kuta, Bias, Tuga, Ungasa, Amed… là điểm đến không thể bỏ qua du khách.
Bali nổi tiếng với các miệng núi lửa đã tắt, lâu lâu lại “rùng mình” chuyển động trong đó hai ngọn núi nổi tiếng nhất là Agung và Batur. Agung thỉnh thoảng vẫn có những đợt phun trào, còn Batur thì đã ngủ yên lâu năm nhưng xung quanh khu vực núi Batur vẫn có khói bốc lên. Các ngọn núi lửa ở đây là tài nguyên du lịch độc đáo và gây tò mò, hấp dẫn đối với du khách bởi chính sự linh thiêng vì người dân Bali cho rằng các vị thần ngự trị trên đỉnh núi, là bản sao của núi Meru – trục trung tâm vũ trụ và họ gửi gắm niềm tin vào ngôi đền nơi chân núi, họ tin rằng những lời cầu nguyện của mình có thể đến với các vị thần trên đỉnh núi.
Hòn đảo này có những ruộng bậc thang xanh mướt trải dài khắp sườn núi với một nền văn minh lúa nước rất độc đáo. Nổi bật là ruộng bậc thang nằm ở phía Bắc làng Tegalalang - đảo Bali (Indonesia). Đây là điểm đến tuyệt vời mà hầu hết du khách đến với Bali đều muốn tham quan.
Bali - nền văn hóa đậm chất phương Đông.
Nơi đây sở hữu hơn 20.000 ngôi đền uy nghiêm cổ kính lớn nhỏ nên được mệnh là “Xứ sở vạn ngôi đền”, vẻ đẹp và câu chuyện ngàn năm từ những ngôi đền cũng chính là niềm tự hào của người Bali. Chính văn hóa Hindu giáo đã làm vùng đất này thành nơi tập trung của những ngôi đền với lối kiến trúc rất đặc trưng. Một số ngôi đền thu hút nhiều du khách như Pura Ulun Danu Bratan, Tanah Lot, Tirta Empul, Uluwatu, Lempuyang… là những điểm đến hấp dẫn nhất Bali với kiến trúc độc đáo kèm nhiều truyền thuyết huyền bí. Những lễ hội văn hóa truyền thống ở Bali diễn ra hang năm và gắn liền với cuộc sống của người dân trên hòn đảo này. Trong đó, lễ hội quan trọng nhất là Galungan.
Bali còn là nơi diễn ra lễ hội thả diều quốc tế, được tổ chức vào tháng 7 hàng năm tại bãi biển Sanur. Đây là lễ hội tôn giáo đặc sắc ở bali, thể hiện văn hóa nông nghiệp lúa nước đặc trưng của người Indonesia. Ngoài ra, Lễ hội Spirit Bali, Lễ hội ẩm thực Ubud… cũng không kém phần đặc sắc.
Bali - thế giới làng nghề truyền thống.
Dọc các tuyến đường du khách tham quan san sát những xưởng điêu khắc và phòng trưng bày đồ mỹ nghệ với mẫu mã vô cùng tinh tế và chất liệu phong phú. Ngoài đồ gỗ mỹ nghệ, Bali còn là xứ sở của đồ bạc và đá - loại san hô đen được lấy lên từ biển Ấn Độ Dương… Các làng nghề truyền thống vẫn duy trì phong tục, tập quán văn hóa lâu đời của tổ tiên.
Ẩm thực Bali mang đậm bản sắc văn hóa đạo Hồi nhưng lại ảnh hưởng văn hóa Hindu giáo và được hòa quyện cùng các nguyên liệu đa dạng bản địa tạo nên nhiều món ngon đậm đà hương vị.
Đến với các bãi biển, du khách có thể lặn ngắm san hô, sinh vật biển, chơi dù lượn, lướt song, ca nô và các môn thể thao dưới nước. Tại các ruộng bậc thang, du khách có thể tham gia đi xe đạp không trung, xe địa hình, xích đu, tìm hiểu cách trồng lúa. Đến các cơ sở trồng cà phê, du khách trải nghiệm quy trình sản xuất cà phê Kopi luwak, vừa thưởng thức cà phê vừa ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng.
Ngoài ra, du khách có thể xem biểu diễn múa barong, đặc biệt Ubud có rất nhiều lớp học múa, thời lượng khoảng 2 tiếng cho mỗi lớp, tạo cơ hội cho du khách tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống thông qua các điệu múa barong, legong… Các chợ thủ công bày bán các sản phẩm truyền thống địa phương là nơi thu hút khách về đêm.
Spa Bali
Spa ở Bali lôi cuốn du khách với các liệu pháp massage, làm đẹp tuyệt vời. Những địa điểm spa với tầm nhìn 360o là biển và âm thanh êm ái khi sóng nước vỗ vào mặt kính của căn phòng, mang đến cảm giác như đang chìm trong biển; những thửa ruộng bậc thang và cây cảnh xanh mát, sự trải nghiệm hòa quyện các yếu tố tôn giáo và các liệu pháp thư giãn bằng các dược liệu truyền thống tạo nên hoạt động giải trí thư giãn khác lạ chỉ tìm thấy ở Bali. Thưởng thức bữa tối tại vịnh Jimbaran, vừa ăn tối tại một trong những bãi biển đẹp nhất châu Á vừa xem các nghệ sĩ biểu diễn các điệu múa truyền thống của Bali cũng là những trải nghiệm khó quên.
Con người Bali góp phần tạo nên các sản phẩm du lịch khác biệt
Người dân Bali được xem là những người tài hoa nhất, nghệ sĩ nhất trong số 250 dân tộc ở Indonesia. Từ nền văn hóa triết học tôn giáo Hindu vốn đã vô cùng phong phú, họ đã sáng tạo ra nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc. Ngươi dân giữ gìn tốt văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại, họ sử dụng các trang phục truyền thống hằng ngày, các lễ hội văn hóa lớn được tổ chức thường xuyên, ít nhất hai lần mỗi tháng. Ngoài ra, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh rất tốt của người dân nơi đây cũng là một lợi thế.
Nhắc tới Bali, không thể không nói đến những điệu múa cổ truyền của người dân đảo Bali đó là barong, người dân bản địa rất chuyên nghiệp khi đóng vai quỷ thần, công chúa, chiến binh trên những sân khấu được dàn dựng công phu, sống động và rực rỡ màu sắc giữa khung cảnh tuyệt đẹp của những ngôi đền cổ linh thiêng. Tại các làng nghề mỹ nghệ, mọi người gần như thuộc làu những bí quyết của nghề điêu khắc gỗ truyền thống.
Chính sách phát triển du lịch văn hóa của chính quyền địa phương
Nhận thấy giá trị văn hóa của nghề truyền thống sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển du lịch địa phương, chính quyền đảo Bali đã định hướng cho con đường phát triển của các làng nghề. Cùng với việc hỗ trợ hiệp hội làng nghề đào tạo kỹ năng và cấp chứng chỉ nghề cho người lao động, chính quyền còn hỗ trợ người dân những khoản vay ưu đãi để mau gỗ nguyên liệu, tập trung quảng bá lịch sử làng nghề, tổ chức nhiều cuộc triển lãm giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài. Từ đó tiếng tăm của làng nghề đã vượt ra khỏi phạm vi nhỏ hẹp của địa phương để vươn tầm ra thế giới. Chính quyền lấy cộng đồng làm trung tâm, các nghi lễ đền thờ, hôn nhân, hỏa táng, nông nghiệp và thậm chí các lễ hội nghệ thuật sáng tạo được quyết định bởi tổ chức cộng đồng địa phương có tên là Ban Banjar. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm cho tất cả các khía cạnh khác của cuộc sống. Một banjar bao gồn từ 50 đến 150 thành viên, có một địa điểm để người dân tu họp thường xuyên và là nơi để các dàn nhạc, các nhóm kịch địa phương trình diễn.
Bali đặt con người vào vị trí trọng tâm cho mọi kế hoạch bảo tồn văn hóa truyền thống. Việc giữ gìn và phát triển sân khấu nghệ thuật truyền thống đã mang lại thành công không nhỏ cho chiến lược tăng trưởng du lịch. Họ xây dựng chương trình nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống thông qua việc đưa các nội dung văn hóa truyền thống vào giáo dục từ cấp tiểu học, nhằm giúp người dân hiểu được lợi ích của việc phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống trong phát triển du lịch, qua đó nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Chính quyền cũng trích ngân sách hàng năm để xây dựng các trung tâm gìn giữ nghệ thuật truyền thống, khuyến khích địa phương tổ chức lớp học thường xuyên để lưu truyền các điệu nhảy, múa và biểu diễn nhạc cụ cho thế hệ tương lai. Những người nông dân Bali không chỉ làm công việc đồng áng đơn thuần mà còn có sứ mệnh tập luyện và bảo tồn điệu múa barong cổ truyền. Mỗi làng đều có đội múa riêng, việc múa biểu diễn là do dân làng đảm nhiệm, còn sân khấu được chính phủ tài trợ xây dựng để thu hút khách du lịch.
Ngoài ra, có những lớp học dạy cho trẻ nhỏ, nối tiếp nhau, và bản thân các vũng công nhí cũng thường được sắp xếp lịch biểu diễn nên có thu nhập ổn định. Cứ nửa năm hoặc một năm, cơ quan văn hóa của Indoneisa lại đến thẩm định, đánh giá cụ thể về thực trạng của nghệ thuật truyền thống này.
Chính phủ thường xuyên tổ chức những lễ hội, liên hoan nghệ thuật truyền thống nhằm khuyến khích các nghệ sĩ tham gia phát triển loại hình văn hóa này, đóng góp lớn cho việc bảo tồng, duy trì văn hóa truyền thống và trở thành hoạt động thu hút khách du lịch rất hiệu quả.
(Theo Tạp chí du lịch)